Sự không đồng nhất giữa các quy định trong nước với nội dung các hiệp định mà Việt Nam đã ký với các quốc gia láng giềng liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới và hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam đang tạo nên các rào cản, hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường bộ giữa Việt Nam và các nước láng giềng là tấm gương phản ánh quá trình hợp tác kinh tế quốc tế qua các thời kỳ. Nói cách khác, các doanh nghiệp vận tải hàng xuyên biên giới, hàng quá cảnh bằng đường bộ giữa Việt Nam với các nước ASEAN và Trung Quốc là những người đã góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng, hiện thực hóa những thỏa thuận về hợp tác quốc tế của Nhà nước. Với ưu thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đường bộ cùng với hệ thống cảng biển phát triển, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng đối với sự lưu thông hàng hóa giữa các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại. Khi chúng ta thực hiện chính sánh mở cửa và thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế thì hoạt động này có được môi trường tốt hơn để phát triển, đặc biệt trong khoảng từ 10 đến 20 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, hoạt động này đang phải đối mặt với một số khó khăn nhất định, đến từ việc hiểu, vận dụng các điều ước quốc tế cũng như sự không đồng nhất giữa các quy định trong nước với nội dung các hiệp định mà Việt Nam đã ký với các quốc gia láng giềng liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới và hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.

Kết quả hình ảnh cho vận tải xuyên biên giới

Quyền sở hữu trí tuệ với hàng quá cảnh

Thời gian qua, các doanh nghiệp vận chuyển hàng quá cảnh từ Trung Quốc qua lãnh thổ Việt Nam sang nước bạn Lào. Hoạt động này là hoàn toàn phù hợp với các Hiệp định vận tải hàng hóa đường bộ mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc và Lào. Tuy nhiên, khi kiểm tra hàng hóa quá cảnh, cơ quan hải quan Việt Nam đã xử phạt các doanh nghiệp vận tải khi phát hiện hàng quá cảnh có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo quan điểm của các doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh, việc xử phạt này là nhầm đối tượng. Các công ty vận tải Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, thực hiện việc vận chyển hàng hóa bằng tờ khai vận chuyển độc lập. Hồ sơ vận chuyển hàng hóa thể hiện họ không phải là người mua, người bán hay chủ sở hữu hàng hóa nhưng họ lại phải chịu trách nhiệm về những vi phạm sở hữu trí tuệ của chủ hàng nước ngoài trước pháp luật Việt Nam.

Các doanh nghiệp vận chuyển hàng quá cảnh luôn ủng hộ việc tuân thủ các quy định luật pháp về sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Việc kiểm tra thực tế hàng quá cảnh và xử phạt các vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ là phù hợp với các quy định luật pháp của Việt Nam và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, việc kiểm tra và xử phạt của cơ quan hải quan như đã nói ở trên lại đang gây khó khăn cho chính các công ty vận chuyển của Việt Nam.

Chiều dài phương tiện trong vận tải liên vận

Theo Phụ lục a, b Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia ký ngày 10/10/2005 quy định, tổng chiều dài tối đa của phương tiện vận tải được hoạt động vận tải hàng hóa liên vận giữa Việt Nam và Campuchia được quy định với xe tải không vượt quá 12m và 16m với tổ hợp đầu kéo kéo

 

Tuy nhiên, quy định về tổng chiều dài phương tiện được quy định tại khoản 2, Điều 19, Thông tư số 46/2015/ TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải là 20m, bao gồm cả xe tải và đầu kéo kéo theo sơmi-rơ mooc.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vận tải Việt Nam đang sử dụng hai loại đầu kéo container là loại đầu dài, thường là đầu kéo của Mỹ như: Freightliner hoặc International có chiều dài khoảng trên 7m. Các loại đầu kéo ngắn như: Hyundai, Hino, Isuzu,… có tổng chiều dài khoảng 5m. Những loại đầu kéo này khi kéo theo sơmi-rơmooc loại 40feet thì tổng chiều dài của cả tổ hợp là từ 17m đến 18,5m. Nếu kéo theo sơmi-rơmooc loại 45feet, tổng chiều dài sẽ khoảng 18,5m đến 20m, tương ứng với loại đầu kéo ngắn và dài như đã đề cập ở trên.

Tất cả các phương tiện và tổ hợp phương tiện nêu trên đang lưu hành tại Việt Nam để chuyên chở các loại container có tổng chiều dài hoàn toàn phù hợp với quy định tại Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, những phương tiện này khi tham gia vận tải liên vận giữa Việt Nam và Campuchia lại vi phạm quy định về tổng chiều dài trong Hiệp định vận tải đường bộ mà hai nước đã ký kết. Đây chính là lý do các cơ quan hữu trách Campuchia đã thực hiện việc xử phạt vi phạm và cắt ngắn sơmi-rơmooc của một doanh nghiệp vận tải Việt Nam.

Vào tháng 9/2019, vụ việc này đã được doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu lên Tổng Cục đường bộ và Tổng Cục đường bộ đã có văn bản trả lời doanh nghiệp là phải tuân thủ nội dung Hiệp định vận tải đường bộ mà hai nước đã ký. Rất khó khăn cho doanh nghiệp khi phải tuân thủ một quy định rõ ràng là không phù hợp với đời sống kinh tế, không phù hợp với các quy định của Việt Nam. Nói cách khác, rủi ro của doanh nghiệp trong trường hợp này là sự không đồng nhất giữa các quy định của Việt Nam và nội dung Hiệp định vận tải đường bộ mà Việt Nam đã ký với Campuchia.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cần phải thực hiện các bước cần thiết để sửa đổi các quy định không phù hợp trong Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ của Việt Nam. Tháo gỡ các rào cản này để phát triển kinh tế tư nhân là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng.

Theo VLR

Global Moving Logistics – chuyên các giải pháp vận tải xuyên biên giới và tư vấn thủ tục hải quan xuất nhập khẩu.

Hotline: 0905355358